Để làm tốt bài tập văn học cũng như sử dụng các biện pháp tu từ chính xác khi làm văn, sử dụng từ ngữ thì kiến thức về biện pháp tu từ rất quan trọng. Sau đây là 12 biện pháp tu từ thường được sử dụng trong văn chương.

Biện pháp tu từ so sánh
Khái niệm
Biện pháp tu từ so sánh là đối chiếu 2 hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn.
Cấu tạo của biện pháp so sánh
- a) A là B
Ví dụ:
“Người ta là hoa đất”
(Tục ngữ)
“Quê hương là chùm khế ngọt”
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)
- b) A như B
Ví dụ:
“Nước biếc trông như làn khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào”.
(Thu vịnh – Nguyễn Khuyến).
“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
- c) Bao nhiêu…bấy nhiêu…
Ví dụ:
“Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu“
(Ca dao)
Trong đó:
+ A – sự vật, sự việc được so sánh
+ B – sự vật, sự việc dùng để so sánh
+ “Là” “như” “bao nhiêu…bấy nhiêu” là từ ngữ so sánh, cũng có khi bị ẩn đi.

Các kiểu so sánh
- a) Phân loại theo mức độ:
– So sánh ngang bằng:
Ví dụ:
“Người là cha, là bác, là anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”
(Sáng tháng Năm – Tố Hữu)
– So sánh không ngang bằng:
Ví dụ:
“Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”
(Bầm ơi – Tố Hữu)
- b) Phân loại theo đối tượng:
– So sánh các đối tượng cùng loại:
Ví dụ:
“Cô giáo em hiền như cô Tấm”
– So sánh khác loại:
Ví dụ:
“Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm!”
(Núi đôi – Vũ Cao)
– So sánh cái cụ thể với cái trừu tượng và ngược lại:
Ví dụ:
“Trường Sơn: chí lớn ông cha
Cửu Long: lòng mẹ bao la sóng trào”
(Nguyễn Văn Trỗi – Lê Anh Xuân)
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
(Ca dao)
Biện pháp tu từ nhân hoá

Khái niệm
Biện pháp tu từ nhân hóa là lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của đối tượng không phải con người nhằm làm cho đối tượng được miểu tra trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn. Đồng thời làm cho người nói có khả năng trình bày kín đáo, tâm tư, thái độ của mình.
Các kiểu nhân hóa
- a) Dùng những từ vốn gọi người để gọi sự vật
Ví dụ:
Chị ong nâu, Ông mặt trời, Bác giun, Chị gió
- b) Dùng những từ ngữ chỉ tính chất, hoạt động của con người để biểu thị tính chất, hoạt động của đối tượng không phải là con người.
Ví dụ: Điếu cày kêu, gió rên rít, trăng chiếu mơ màng…
“Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác, tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!”
(Thép Mới)
“Lúa đá chen vai đứng cả dậy”
(Trần Đăng)
“Vì sương nên núi bạc đầu
Biển lay bởi gió hoa sầu vì mưa”
(Ca dao)
- c) Coi đối tượng như con người và tâm tình trò chuyện với nhau
Ví dụ:
“Núi cao chi lắm núi ơi?
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương!”
(Ca dao)
Biện pháp tu từ ẩn dụ
Khái niệm
Biện pháp tu từ ẩn dụ là gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm.
4 kiểu ẩn dụ
- a) Ẩn dụ hình thức – tương đồng về hình thức
Ví dụ:
“Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
=> hoa lựu màu đỏ như lửa
- b) Ẩn dụ cách thức – tương đồng về cách thức
Ví dụ:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
(ca dao)
=> ăn quả – hưởng thụ, “trồng cây” – lao động
“Về thăm quê Bác làng Sen,
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng”
(Nguyễn Đức Mậu)
=> thắp: nở hoa, chỉ sự phát triển, tạo thành
- c) Ẩn dụ phẩm chất – tương đồng về phẩm chất
Ví dụ:
“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
(ca dao)
=> thuyền – người con trai; bến – người con gái.
- d) Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác – chuyển từ cảm giác này sang cảm giác khác, cảm nhận bằng giác quan khác.
Ví dụ:
“Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng“
(Đêm Côn Sơn – Trần Đăng Khoa)
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
Lưu ý
Cần phân biệt ẩn dụ tu từ và ẩn dụ từ vựng:
+ Ẩn dụ tu từ: có tính lâm thời, tính cá thể, phải đặt trong từng văn cảnh cụ thể để khám phá ý nghĩa.
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng”
(Thương vợ – Tú Xương)
+ Ẩn dụ từ vựng: cách nói quen thuộc, phổ biến, không có/ ít có giá trị tu từ: cổ chai, mũi đất, tay ghế, tay bí, tay bầu…
Bài giảng về biện pháp tu từ: https://www.youtube.com/watch?v=u1sVJEAh5hc
Biện pháp tu từ hoán dụ
Khái niệm
Biện pháp tu từ hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Các kiểu hoán dụ
- a) Lấy bộ phận để chỉ toàn thể – Mối liên hệ giữa toàn bộ và bộ phận.
Ví dụ:
“Đầu xanh đã tội tình gì?
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi”
(Truyện Kiều)
– Dùng từ Đầu xanh (bộ phận cơ thể) để biểu thị con người ở độ trẻ trung (toàn thể). Má hồng (bộ phận cơ thể) để biểu thị cho người đàn bà kiếp sống ở chốn lầu xanh (toàn thể).
- b) Lấy dấu hiệu đẻ chỉ sự vật – Liên hệ giữa chủ thể (người) và vật sở thuộc (trang phục, đồ dùng).
Ví dụ:
“Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
(Tố Hữu)
– Áo chàm (y phục) để biểu thị đồng bào các dân tộc ở Việt Nam (chủ thể).
- c) Lấy vật chứa đựng để chỉ vật bị chứa đựng
Ví dụ:
“Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh”
(Tố Hữu)
– Dùng “trái đất” nơi con người sinh sống để chỉ cho dân tộc Việt Nam.
- d) Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng. Liên hệ giữa số ít và số nhiều.
Ví dụ:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao“
– Dùng từ “ba cây” để chỉ núi rừng.
- e) Lấy kết quả của hành động, tính chất để biểu thị hành động, tính chất.
Ví dụ:
“Mồ hôi mà chảy xuống đồng
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương”
– Dùng Mồ hôi (kết quả) để biểu thị lao động vất vả (hành động).
Lưu ý
Ẩn dụ và hoán dụ cùng chung cấu trúc nói A chỉ B nhưng khác nhau:
– Ẩn dụ: A và B có quan hệ tương đồng
– Hoán dụ: A và B có quan hệ gần gũi, hay đi liền với nhau.

Đảo ngữ
Khái niệm
Đảo ngữ là hiện tượng vi phạm có chủ đích trật tự chuẩn mực của các đơn vị trong câu nhằm mục đích tách ra một thành tố nghĩa, cảm xúc nào đó hoặc nhấn mạnh.
Các kiểu đảo ngữ
- a) Đảo vị ngữ – động từ ra trước chủ ngữ
Ví dụ:
“Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng Tám”
(Tố Hữu)
Đã qua rồi cái thời tha hồ làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc.
- b) Đảo vị ngữ – tính từ ra trước chủ ngữ
Ví dụ:
“Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ”
(Hồ Xuân Hương)
- c) Đảo bổ ngữ – khách thể lên đầu câu
Ví dụ:
“Những cuộc vui ấy, chị còn nhớ rành rành”
(Ngô Tất Tố)
- d) Đảo bổ ngữ phương thức của vị từ (động từ) để tạo hiệu ứng hình tượng.
Ví dụ:
“Tam nhe răng ra cười..”
(Nam Cao)
“Hắn thích chí, khanh khách cười.”
(Nam Cao)
Phóng đại

Khái niệm
Phóng đại hay còn gọi là nói quá, khoa trương, thậm xưng, ngoa ngữ, cường điệu. Là dùng từ ngữ hoặc cách diễn đạt để nhân lên gấp nhiều lần những thuộc tính của khách thể hoặc hiện tượng nhằm mục đích làm nổi bật bản chất của đối tượng cần miêu tả, gâu ấn tượng mạnh mẽ.
Phóng đại thì khác với nói khoác về tính chất, động cơ và mục đích.
Phóng đại trong văn chương không phải để lừa dối, xuyên tạc sự thật mà chí cốt để người nghe hiểu rõ điều muốn nói đến.
Các kiểu phóng đại
Phóng đại ở cường độ thấp: là chỉ cách nói nhấn mạnh, nói quá đi so với cái có thật trong thực tế, chưa đến mức phi lý, vẫn chấp nhận được.
Ví dụ: vô cùng vĩ đại, hết sức khó khăn, trăm công nghìn việc…
Kiểu phóng đại này thường dùng trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày, không có hoặc ít giá trị tu từ.
Phóng đại ở mức độ cao: là cách nói cường điệu quá đáng đến mức độ phi lý, không thể tin được.
Ví dụ: Chưa ăn đã hết, không cánh mà bay, một ngày dài hơn thế kỷ,
Kiểu phóng đại này thường được dùng trong nghệ thuật, văn chương để tạo nên những hình ảnh, biểu tượng đặc sắc, lôi cuốn người đọc.
Tiếng đồn cha mẹ anh anh hiền
Cắn cơm không vỡ, cắn tiền vỡ đôi
(ca dao)
“Độc ác thay, trúc Nam sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông hải không rửa sạch mùi”
(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
Cách dùng và ví dụ
- a) Dùng những từ ngữ vốn mang sẵn ý nghĩa phóng đại có khả năng thay thế cho các phó từ chỉ mức độ (rất, quá, lắm) mà có thể gây tác động mạnh.
Ví dụ:
Cực + từ ngữ: cực điểm, cực độ, cực kỳ, cùng cực…
Vô + từ ngữ: vô cùng, vô hạn độ…
Tuyệt + từ ngữ: tuyệt vời, tuyệt tác, tuyệt trần…
Hết + từ ngữ: hết sức, hết sảy, hết chỗ nói…
- b) Dùng từ ngữ phóng đại (bao gồm cả quán ngữ), phần lớn mang nội dung miêu tả, tác động trực tiếp tới tâm lý, tình cảm.
Ví dụ:
Buồn nẫu ruột, tiếc đứt ruột, nhớ đến cháy lòng, tức lộn ruột, bầm gan tím ruột, lo sốt vó, trông lác mắt, nghĩ nát óc…
- c) Dùng so sánh hơn kém về số lượng để phóng đại về tầm vóc của sự việc.
Ví dụ:
Bằng năm bằng mười, gấp vạn…
Ba đầu sáu tay, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh…
Tày liếp, tày trời, động trời, long trời lở đất.
- d) Dùng thành ngữ, tục ngữ tạo lối nói phóng đại.
Chấn cứng đá mềm, vá trời lấp bể, ruột để ngoài da, vắt cổ chày ra nước, ngàn cân treo sợi tóc…
– Trong văn chương thường khai thác triệt để cách sử dụng từ phóng đại để lột tả, biểu đạt cảm xúc, miêu tả, gây cười hay châm chọc, thâm thúy.
Ví dụ:
“Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”
(Khương Hữu Dụng)
“Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm”
(Huy Cận)
“Không chồng ăn bữa nồi năm
Ăn đói ăn khát mà cần lấy hơi
Có chồng ăn bữa nồi mười
Ăn đói ăn khát mà nuôi lấy chồng”
(Ca dao).
“Gác kinh viện sách đôi mươi
Trong gang tấc lại gấp mười quan san”
(Truyện Kiều).
Điệp từ, ngữ
Khái niệm
Điệp ngữ là lặp lại có ý thức những từ ngữ nhằm mục đích nhấn mạnh, mở rộng ý, gây ấn tượng mạnh hoặc gợi ra những cảm xúc trong lòng người đọc, người nghe.
Các loại điệp ngữ
- a) Điệp ngữ nối tiếp
Là dạng điệp ngữ trong đó từ ngữ được lặp lại đứng cạnh nhau nhằm tạo nên ấn tượng có tính chất tăng tiến.
Ví dụ:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công.”
(Hồ Chí Minh)
- b) Điệp ngữ ngắt quãng
Là dạng điệp ngữ trong đó những từ ngữ được lặp lại cách xa nhau nhằm gây một ấn tượng và có tác dụng tạo nhạc tính.
Ví dụ:
“Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng”
(Thế Lữ).
- c) Điệp ngữ vòng
Là hình thức chữ cuối câu trước được lặp lại ở đầu câu sau và cứ như thế làm cho câu văn, câu thơ liền mạch như đợt sóng. Sử dụng điệp ngữ này có tác dụng tu từ cao.
Ví dụ:
“Cùng trông lại mà chẳng thấy
Thấy xanh xanh giữa mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”
(Đoàn Thị Điểm).
Chơi chữ
Khái niệm
Biện pháp tu từ chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước… làm câu văn hấp dẫn và thú vị.
– Chơi chữ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, thường trong văn thơ, đặc biệt là trong văn thơ trào phúng, trong câu đối, câu đố..
Các lối chơi chữ
- a) Dùng từ ngữ đồng âm
Ví dụ:
“Bà già đi chợ cầu đông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”.
- b) Dùng lối nói trại âm (gần âm)
Ví dụ:
“Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần”
- c) Dùng cách điệp âm
Ví dụ:
“Mênh mông muôn mẫu một màu mưa
Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ
Mộng mị mỏi mòn mai một mọt
Mĩ miều may mắn mây mà mơ”.
(Tú Mỡ)
- d) Dùng lối nói lái
Ví dụ:
Mang theo một cái phong bì
Trong đựng cái gì? Đựng cái đầu tiên!
– Nói lái “đầu tiên” nghĩa là “tiền đâu”
- e) Dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa.
+ Trái nghĩa:
Ví dụ:
Ngọt thơm sau lớp vỏ gai,
Quả ngon lớn mãi cho ai đẹp lòng.
Mời cô mời bác ăn cùng,
Sầu riêng mà hóa vui chung trăm nhà.
(Phạm Hổ)
+ Đồng nghĩa:
Ví dụ:
Chuồng gà kê sát chuồng vịt
(kê, yếu tố Hán Việt, có nghĩa là “gà”)
+ Gần nghĩa (cùng trường nghĩa)
Ví dụ:
Chàng Cóc ơi ! Chàng Cóc ơi !
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.
(Hồ Xuân Hương)
(Các từ dùng trong bài đều là họ nhà cóc: nhái bén, chẫu chàng, nòng nọc, chẫu chuộc)
Nói giảm, nói tránh
Khái niệm
Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, nhằm tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
Ví dụ:
“Bác đã đi rồi sao Bác ơi!”
(Bác ơi – Tố Hữu)
“Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta”
(Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến)
Liệt kê
Khái niệm
Biện pháp tu từ liệt kê là sắp xếp nối tiếp những đơn vị cú pháp cùng loại (từ, cụm từ, cũng như thành phần câu) để diễn tả đầy đủ, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay tư tưởng, tình cảm.
Ví dụ:
“Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!”
(Người con gái anh hùng – Trần Thị Lý).
“Thường thường là chở chè vối, và thỉnh thoảng cũng có những chuyến chở cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sủi móc, da trâu sống, xương và sừng nai hươu, xương gấu, xương hổ”.
(Nguyễn Tuân).
Tương phản
Khái niệm
Biện pháp tu từ tương phản là cách sử dụng từ ngữ đối lập, trái ngược nhau để tăng hiệu quả diễn đạt.
Ví dụ:
“O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế, to gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu”
(Tố Hữu)
Với kiến thức về các biện pháp tu từ, hy vọng đã giúp các em học sinh hiểu rõ và vận dụng tốt khi làm bài tập. Chúc các em học tập tốt. Chia sẻ bài viết hữu ích cho bạn bè cùng học nhé.
Pingback: Soạn Bài Lập Dàn ý Và Phân Tích Bài Chị Em Thúy Kiều Chi Tiết Nhất - Ngữ Văn 9 | Lessonopoly